Get me outta here!

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng cao tại Sóc Trăng

Bác sĩ Hồng Tuấn Hòa- Phó Giám đốc bệnh viện Sản - Nhi Sóc Trăng cho biết, bệnh hô hấp đang có diễn biến tăng cao ở tỉnh này.

Theo bác sĩ Hồng Tuấn Hòa, trong tháng 1/2017, toàn tỉnh Sóc Trăng có 872 ca điều trị nội trú, trong đó bệnh về hô hấp là 758 ca (chiếm tỷ lệ gần 87%); số ca điều trị ngoại trú là 4.714 ca, trong đó bệnh về hô hấp là 2.119 ca (chiếm tỷ lệ gần 45%).

So với tháng 12/2016 thì số ca bị nhiễm bệnh hô hấp tăng cao hơn. Riêng bệnh sốt xuất huyết là 34 ca, bệnh về tay chân miệng là 22 ca. Điều đáng ghi nhận là tuy tăng về số ca bị bệnh nhưng không bùng phát thành dịch.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi Sóc Trăng.
Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 128 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2016. Địa phương có số ca bệnh tăng cao là huyện Cù Lao Dung (tăng từ 2 ca lên 25 ca) và huyện Mỹ Tú (tăng từ 18 ca lên 34 ca). Các huyện, thị xã như Ngã Năm, Châu Thành, Long Phú và Mỹ Xuyên tăng từ 1 đến 6 ca so với cùng kỳ năm 2016. Chưa có trường hợp nào bệnh nặng dẫn đến nguy cơ tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thanh Liêm- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng, dự đoán số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng và tăng cao vào tháng 3, tháng 4. Độ tuổi mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn chủ yếu là trẻ em từ 3-5 tuổi.

Hiện nay, các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động điều trị, ngăn ngừa và kéo giảm số ca mắc bệnh tay chân miệng.

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Bệnh tuần hoàn máu kém

Bệnh tuần hoàn máu kém là gì?

Bệnh tuần hoàn máu kém là tổn thương gốc tự do tới hệ tuần hoàn, hiện tượng thiếu hụt các chất dinh dưỡng và các độc tố axit trong cơ thể. Việc hình thành các mảng bám trong các mạch máu khiến cho việc lưu thông máu đến các cơ quan trên cơ thể bị giảm, là nguyên nhân của nhiều bệnh lý.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tuần hoàn máu kém

Nguyên nhân chính của bệnh tuần hoàn máu kém là chủ yếu do việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể, chế độ tập luyện thể thao không đúng cách. Bên cạnh đó việc hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, cân nặng, bệnh tiểu đường…cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh tuần hoàn máu kém.
Ở phụ nữ đang mang thai cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuần hoàn máu kém không có biểu hiện rõ ràng, vì vậy gây ra nhiều nguy cơ đối với người bệnh. Bạn có thể nhận biết tình trạng bệnh tuần hoàn máu kém thông qua các dấu hiệu dưới đây.

Bệnh tuần hoàn máu kém có nhiều nguyên nhân

Dấu hiệu và cách điều trị bệnh tuần hoàn máu kém

Bệnh nhân bị bệnh tuần hoàn máu kém thường có những biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, tê nhức chân tay, hay sưng phù các cơ khớp…Ngoài ra bệnh tuần hoàn máu kém còn là một trong những nguyên nhân gây ra những bệnh tim mạch như đột quỵ, xơ vữa động mạch, bệnh tim…

Cách điều trị bệnh tuần hoàn máu kém

Để điều trị bệnh tuần hoàn máu kém trước tiên phải tạo tâm lý thoải mái khi ngủ, không khí thoáng mát, nhiệt độ phòng thích hợp cho giấc ngủ sâu.
Người bị bệnh tuần hoàn máu kém có thể sử dụng các thuốc an thần, dưỡng tâm từ những dược liệu Đông y như cỏ bình vôi, lá vông nem, tâm sen…để dễ đi vào giấc ngủ,cơ thể thoải mái do các mạch được lưu thông, tăng cường khả năng tuần hoàn máu tới các bộ phận trên cơ thể.
Hạn chế các loại thực phẩm có nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, đồ chiên nhiều mỡ động vật, các đồ uống có ga có cồn như bia rượu, thuốc lá. Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây…
Vận động thường xuyên cũng là một liệu pháp giúp tăng cường việc lưu thông máu trong cơ thể, tuy thuộc vào sức khỏe và độ tuổi để lựa chọn chế độ luyện tập phù hợp.
Khi nhận biết dấu hiệu của bệnh tim mạch trên thì phải kịp thời đến bác sĩ chuyên khoa để xét nghiệm y tế và có phương pháp điều trị kịp thời.



Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Đối đầu với bệnh hô hấp

Hiện nay bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh hô hấp mạn tính không lây nói riêng đang được các Chính phủ của nhiều quốc gia...

Hiện nay bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh hô hấp mạn tính không lây nói riêng đang được các Chính phủ của nhiều quốc gia, các cơ quan y tế trên toàn thế giới dành nhiều sự quan tâm đặc biệt vì tầm ảnh hưởng của nó tới cộng đồng xã hội. Ðể hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta cùng gặp gỡ GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) và hen phế quản (HPQ) quốc gia.

Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, có thể hiểu các bệnh không lây nhiễm như thế nào?

GS.TS. Ngô Quý Châu: Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là bệnh không truyền từ người này sang người khác hoặc từ động vật sang người. Hầu hết bệnh không lây nhiễm là bệnh mạn tính, khó chữa khỏi. Có nhiều loại BKLN khác nhau, tuy nhiên hiện nay Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tập trung vào 4 nhóm bệnh chính, gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản), do những BKLN này ngoài việc có tỷ lệ mắc lớn và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành, chúng còn có chung các yếu tố nguy cơ.
PV: Giáo sư có thể cho biết tình hình mắc các bệnh hô hấp mạn tính không lây hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam ra sao?
GS.TS. Ngô Quý Châu: Các bệnh hô hấp mạn tính không lây bao gồm BPTNMT và bệnh HPQ. Trước hết là BPTNMT, theo WHO (1990), BPTNMT là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 5 với 2,2 triệu người chết. Theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này, gây ra 2,9 triệu người chết mỗi năm và đến năm 2020 BPTNMT sẽ là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ 3. Tùy theo từng nước, tỷ lệ tử vong từ 10 - 500/100.000 dân với khoảng 6% nam và 2- 4% nữ vì BPTNMT. Tại Việt Nam, theo Nguyễn Thị Xuyên và cộng sự (2009), tỷ lệ mắc BPTNMT nói chung, trên đối tượng có tuổi từ 40 trở lên là 4,2%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới là 1,9%.
Về bệnh HPQ, các nghiên cứu dịch tễ học cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực trên thế giới, với độ lưu hành luôn rất cao ở các nước phát triển (≥ 10%) và đang có xu hướng tăng lên liên tục ở các nước đang phát triển, khi lối sống phương Tây trở nên phổ biến. Nghiên cứu Thực trạng hen phế quản ở Việt Nam năm 2010 - 2011 của Trần Thúy Hạnh, Nguyễn Văn Đoàn và cộng sự, kết quả khảo sát 19.461 đối tượng phát hiện có 751 người mắc hen thuộc tất cả các nhóm tuổi, chiếm tỷ lệ 3,9%, tỷ lệ này khá thấp so với độ lưu hành hen ở nhiều nước phát triển.
PV: Giáo sư có thể cho biết trong tương lai xu hướng mắc và tử vong của các bệnh hô hấp mạn tính không lây diễn biến thế nào?
GS.TS. Ngô Quý Châu: Đối với BPTNMT theo Chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu (GOLD), BPTNMT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo ước tính trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới năm 1990, đến năm 2020 chỉ có tỷ lệ tử vong do BPTNMT, tai nạn giao thông và ung thư phổi là tiếp tục gia tăng và tiếp tục nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (trong đó tỷ lệ tử vong do BPTNMT từ vị trí thứ 6 năm 1990 tăng lên chiếm vị trí thứ 3 vào năm 2020), các nguyên nhân gây tử vong khác đều có xu hướng ổn định hoặc giảm dần. Nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong do BPTNMT là do tỷ lệ hút thuốc cao và sự già hóa dân số. Tại Việt Nam, theo số lượng tử vong ước tính năm 2008 thì căn nguyên BPTNMT gây tử vong đứng hàng thứ 5 ở nam giới, trong khi đó tử vong do BPTNMT đứng hàng thứ 2 ở nữ giới, chỉ đứng sau căn nguyên đột quỵ.
Còn bệnh HPQ mỗi năm trên thế giới có khoảng 180.000 đến 250.000 trường hợp tử vong do hen, trung bình cứ 250 người tử vong thì có một trường hợp là do HPQ, đa số bệnh nhân HPQ có thể tránh được tử vong nếu được kiểm soát tốt. Mặc dù tỷ lệ tử vong do hen dao động đáng kể giữa các khu vực, nhưng tính chung trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong đang có xu hướng giảm dần từ những năm 1980 đến nay. Điều này có thể liên quan đến những tiến bộ to lớn trong chẩn đoán và điều trị hen, đặc biệt là việc áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HPQ của Hiệp hội Hen toàn cầu cũng như việc sử dụng rộng rãi corticosteroid dạng xịt. Ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tử vong do hen cũng có xu hướng giảm dần trong những thập kỷ gần đây ở nhiều quốc gia.
GS. TS Ngô Quý Châu đang thăm khám cho bệnh nhân COPD.
PV: Trước tình hình bệnh hô hấp mạn tính không lây trên, chúng ta đã có những giải pháp ứng phó nào, thưa giáo sư?
GS.TS. Ngô Quý Châu: Trước thực trạng trên, Thủ Tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2331/QĐ-TTg, ngày 20/12/2010 ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2011, trong đó có nội dung phòng chống BPTNMT và HPQ. Sau đó ngày 2/3/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 595/QĐ-BYT về việc Phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2011 của Dự án phòng chống BPTNMT và HPQ. Hiện nay, chương trình mục tiêu này đã được Chính phủ phê duyệt cho tiếp tục thực hiện, là một chương trình trong dự án dân số y tế giai đoạn 2016-2020.
Tóm lại, gánh nặng bệnh tật do BPTNMT và HPQ gây ra cho xã hội là rất lớn, đặc biệt trong điều kiện của nước ta hiện nay do thiếu thiết bị, thiếu nguồn nhân lực, thiếu thuốc men cấp phát theo chương trình của Bảo hiểm y tế... Rất mong Chính phủ và Bộ Y tế cùng các ban ngành và toàn xã hội sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo sát sao, hỗ trợ nguồn lực giúp cho công cuộc phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh hô hấp mạn tính không lây nói riêng đạt được thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, tiến tới giảm tần suất mắc các bệnh nguy hiểm này cho nhân dân.

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Sai lầm khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp

Trẻ dưới 5 tuổi có thể viêm đường hô hấp cấp 4-6 lần mỗi năm nếu cha mẹ không biết cách giữ ấm cho con, tự chữa trị hoặc uống thuốc sai liệu trình...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có hơn một triệu trẻ em tử vong vì viêm phổi. Một đứa bé dưới 5 tuổi có thể viêm đường hô hấp cấp 4-6 lần mỗi năm, làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều bậc phụ huynh.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, Phó chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM cho biết: "Mùa bệnh viêm phổi năm nay ghi nhận nhiều trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, thậm chí mới 2-3 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm phổi nặng. Thông thường, đây là nhóm trẻ vẫn còn miễn dịch từ mẹ nên ít mắc bệnh, nhưng gần đây, các trẻ này cũng bị tấn công bởi virus, vi khuẩn".

"Sai lầm lớn nhất của các gia đình là chủ quan, trong khi bệnh ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Có bé chỉ trong vài giờ đã trở nặng, thậm chí phải thở máy”, bác sĩ Tuấn lưu ý. Ví dụ như trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi mới đây, chị Yến - mẹ của bé lúc đầu thấy con có nước mũi trong, nghẹt mũi, sau đó sốt nóng, bỏ bú, nhưng chỉ hơn một ngày đã khó thở. Bác sĩ phải cho bé nhập viện ngay vì viêm phổi.
Trẻ nhỏ miễn dịch kém, nên dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Bà ngoại của một bé trai 9 tháng tuổi khác cũng cho biết: "Cháu chỉ ho húng hắng, chảy nước mũi, khó thở như ngạt mũi thôi, không sốt và ăn uống bình thường. Gia đình tự mua kháng sinh và thuốc ho cho uống. Nhưng sau 2 ngày, cháu đã mệt li bì, thở khó khăn hơn nên mới đưa vào viện. Bác sĩ chẩn đoán cháu suy hô hấp do viêm phổi".

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, cần cặp sốt cho trẻ để biết chính xác diễn biến nhiệt độ cơ thể, chứ không nên đặt tay lên trán để đo nhiệt độ. Khởi đầu, bé có thể chỉ sốt, chảy nước mũi, song cần theo sát để nhận biết tình trạng bệnh nặng lên, đặc biệt là lưu ý nhịp thở. Viêm phổi không ho nhiều nhưng trẻ mệt, thở nhanh. Trẻ nặng sẽ thở lõm lồng ngực, thậm chí tím tái.

Mùa xuân trời trở lạnh, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, phù hợp với nhiệt độ bên ngoài. Nên mặc thêm áo, mũ len, mang bao tay, vớ, khăn…, nhất là khi cần đưa trẻ ra ngoài. Tiêm chủng mở rộng lẫn tự nguyện (cúm, phế cầu) là cách hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi các bệnh hô hấp nặng nề.

Rửa tay cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và viêm phổi, vì chúng có thể lây qua bàn tay nhiễm bẩn. Trẻ cũng cần tránh tiếp xúc với người lớn hay trẻ ốm khác, dù chỉ là cảm ho thông thường. Khi bệnh vào mùa, nên tránh đưa trẻ đến nơi đông người nếu không cần thiết.
Khi thầy thuốc chỉ định, cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc, liều lượng, số lần trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống. 
Bác sĩ Tuấn lưu ý, mọi trẻ viêm phổi phải được thầy thuốc thăm khám, điều trị, theo dõi cẩn thận để tránh hậu quả xấu. Bên cạnh các biện pháp chăm sóc thông thường, cần điều trị kháng sinh thích hợp để giúp trẻ khỏi bệnh. Theo WHO, nếu phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh phù hợp, kết quả điều trị sẽ khả quan. Khoảng 70-80% các trường hợp viêm phổi không nặng sẽ được chữa khỏi tại nhà bằng kháng sinh đường uống, không đắt tiền.

Khi thầy thuốc chỉ định, cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc, liều lượng, số lần trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống. Không được tự ý ngưng thuốc dù trẻ có vẻ bớt bệnh hơn. Liệu trình điều trị trung bình cho viêm phổi là 7-10 ngày.

Tuy nhiên, việc cho trẻ uống thuốc dài ngày, nhiều lần trong ngày không hề dễ dàng với các bậc phụ huynh. Có thể điều trị kháng sinh ngắn ngày, song cần lưu ý không phải trẻ nào, bệnh nào và thuốc kháng sinh gì cũng có thể áp dụng. Chỉ có bác sĩ điều trị mới giúp cha mẹ chọn lựa biện pháp điều trị phù hợp nhất với trẻ

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Các vi sinh vật và nấm mốc, với những thay đổi thất thường của thời tiết trên khắp cả nước về nhiệt độ, độ ẩm, v.v, đang phát triển mạnh trong môi trường. Điều này đang kéo theo tỉ lệ mắc bệnh, nhất là bệnh đường hô hấp, ở trẻ em tăng cao.

Cẩn trọng khi trẻ mắc bệnh về đường hô hấp


Các mẹ đã được các bác sĩ của Hội Hô hấp Thành phố cung cấp các kiến thức bổ ích và tận tình tư vấn về chăm sóc đường hô hấp của trẻ. Đặc biệt, ngày hội có sự tham gia của PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Hội Hô Hấp TPHCM, Trưởng khoa Hô hấp BV Chợ Rẫy, TS. BS. Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Hô Hấp TPHCM, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 và PGS.TS.BS Phạm Thị Minh Hồng - Phó Chủ nhiệm bộ môn Nhi, BS điều trị khoa hô hấp, BV Nhi Đồng 2.

Tại ngày hội, BS Minh Hồng và BS Anh Tuấn, các báo cáo viên chính, đã trình bày những thông tin cực kỳ bổ ích về việc chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ. Qua phần trình bày của các bác sĩ, các bà mẹ đã hiểu được đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đối với trẻ, đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ xâm nhập đến đường hô hấp dưới và có thể gây viêm phổi cũng như dễ làm bệnh nặng hơn. Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém.
Chia sẻ cùng các bác sĩ tại ngày hội, mẹ Trần Xuân Anh, Quận 7 cho biết: “Từ khi cai sữa mẹ, con mình không biết bao nhiêu lần ốm vặt. Khi thì sổ mũi, khi thì đau họng. Có những đêm cả hai vợ chồng phải thay nhau thức chăm con chỉ vì thằng bé ho cả đêm, không ngủ được rồi quấy khóc. Tuy đã đi bác sĩ và được bác cho thuốc nhưng những việc cần thiết để chăm sóc con mà bác đã dặn mình lại không làm theo hết được nên con cứ ho suốt”.

Ở lứa tuổi nhỏ, so với lứa tuổi lớn và người trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa và bệnh cũng dễ trở nặng hơn. Ví dụ, khi bị nhiễm cùng một loại vi rút hô hấp (vi rút hô hấp hợp bào), triệu chứng bệnh của trẻ nhỏ và người lớn chỉ dừng ở mức ho, cảm thông thường, nhưng của trẻ nhỏ lại nặng hơn: hơn 90% trẻ dưới 2 tuổi sẽ bị viêm tiểu phế quản, nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở trẻ nhỏ.

Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Hô Hấp TPHCM, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Đặc biệt ở các trẻ có bệnh mạn tính, dị tật đường hô hấp bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh, bại não, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch,… thì bệnh lại càng nặng, nhiều biến chứng và dễ tử vong hơn.

Bác sĩ nhắc nhở mẹ nên lưu ý liệu trình điều trị


Bác sĩ Trần Anh Tuấn lưu ý với các bà mẹ: “Khi thấy trẻ mắc bệnh hô hấp như sốt cao, thở gấp, bỏ bú kéo dài thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và có hướng xử trí kịp thời, tránh tự ý điều trị”.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn trấn an các bà mẹ rằng: “Nếu được đưa đến cơ sở y tế sớm, xử trí kịp thời thì kết quả sẽ rất khả quan: 70-80% trẻ VP có thể khỏi bệnh với những loại thuốc kháng sinh thông thường để chủ động phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc là tiêm phòng đầy đủ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, giữ ấm cho trẻ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu, nuôi dưỡng trẻ tốt – tránh suy dinh dưỡng, tránh ô nhiễm – khói bụi đặc biệt là khói thuốc lá và khói bếp (than củi), chủng ngừa đầy đủ cũng như thực hành tốt việc rửa tay.

Ngoài ra, các mẹ cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ vì hiện có 2 loại kháng sinh, liệu 5 ngày hoặc 7 ngày để việc điều trị hiệu quả


Các bác sĩ tại bàn tư vấn cũng nhấn mạnh rằng “Cần lưu ý là không phải bệnh nào, người bệnh nào, kháng sinh nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Chỉ qua thăm khám và đánh giá đầy đủ, bác sĩ của bạn mới quyết định được điều này”.

Việc tuân thủ liệu trình điều trị là một trong những nhân tố chính giúp cho quá trình hồi phục của trẻ được nhanh chóng. Vì thế, bố mẹ cần sớm chia sẻ với bác sĩ điều trị nếu liệu trình không được tuân thủ do các lý do khách quan để có giải pháp phù hợp cho việc chăm sóc trẻ.