Hiện nay bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh hô hấp mạn tính không lây nói riêng đang được các Chính phủ của nhiều quốc gia...
Hiện nay bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh hô hấp mạn tính không lây nói riêng đang được các Chính phủ của nhiều quốc gia, các cơ quan y tế trên toàn thế giới dành nhiều sự quan tâm đặc biệt vì tầm ảnh hưởng của nó tới cộng đồng xã hội. Ðể hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta cùng gặp gỡ GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) và hen phế quản (HPQ) quốc gia.Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, có thể hiểu các bệnh không lây nhiễm như thế nào?
GS.TS. Ngô Quý Châu: Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là bệnh không truyền từ người này sang người khác hoặc từ động vật sang người. Hầu hết bệnh không lây nhiễm là bệnh mạn tính, khó chữa khỏi. Có nhiều loại BKLN khác nhau, tuy nhiên hiện nay Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tập trung vào 4 nhóm bệnh chính, gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản), do những BKLN này ngoài việc có tỷ lệ mắc lớn và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành, chúng còn có chung các yếu tố nguy cơ.PV: Giáo sư có thể cho biết tình hình mắc các bệnh hô hấp mạn tính không lây hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam ra sao?
GS.TS. Ngô Quý Châu: Các bệnh hô hấp mạn tính không lây bao gồm BPTNMT và bệnh HPQ. Trước hết là BPTNMT, theo WHO (1990), BPTNMT là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 5 với 2,2 triệu người chết. Theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này, gây ra 2,9 triệu người chết mỗi năm và đến năm 2020 BPTNMT sẽ là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ 3. Tùy theo từng nước, tỷ lệ tử vong từ 10 - 500/100.000 dân với khoảng 6% nam và 2- 4% nữ vì BPTNMT. Tại Việt Nam, theo Nguyễn Thị Xuyên và cộng sự (2009), tỷ lệ mắc BPTNMT nói chung, trên đối tượng có tuổi từ 40 trở lên là 4,2%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới là 1,9%.
Về bệnh HPQ, các nghiên cứu dịch tễ học cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực trên thế giới, với độ lưu hành luôn rất cao ở các nước phát triển (≥ 10%) và đang có xu hướng tăng lên liên tục ở các nước đang phát triển, khi lối sống phương Tây trở nên phổ biến. Nghiên cứu Thực trạng hen phế quản ở Việt Nam năm 2010 - 2011 của Trần Thúy Hạnh, Nguyễn Văn Đoàn và cộng sự, kết quả khảo sát 19.461 đối tượng phát hiện có 751 người mắc hen thuộc tất cả các nhóm tuổi, chiếm tỷ lệ 3,9%, tỷ lệ này khá thấp so với độ lưu hành hen ở nhiều nước phát triển.
PV: Giáo sư có thể cho biết trong tương lai xu hướng mắc và tử vong của các bệnh hô hấp mạn tính không lây diễn biến thế nào?
GS.TS. Ngô Quý Châu: Đối với BPTNMT theo Chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu (GOLD), BPTNMT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo ước tính trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới năm 1990, đến năm 2020 chỉ có tỷ lệ tử vong do BPTNMT, tai nạn giao thông và ung thư phổi là tiếp tục gia tăng và tiếp tục nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (trong đó tỷ lệ tử vong do BPTNMT từ vị trí thứ 6 năm 1990 tăng lên chiếm vị trí thứ 3 vào năm 2020), các nguyên nhân gây tử vong khác đều có xu hướng ổn định hoặc giảm dần. Nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong do BPTNMT là do tỷ lệ hút thuốc cao và sự già hóa dân số. Tại Việt Nam, theo số lượng tử vong ước tính năm 2008 thì căn nguyên BPTNMT gây tử vong đứng hàng thứ 5 ở nam giới, trong khi đó tử vong do BPTNMT đứng hàng thứ 2 ở nữ giới, chỉ đứng sau căn nguyên đột quỵ.
Còn bệnh HPQ mỗi năm trên thế giới có khoảng 180.000 đến 250.000 trường hợp tử vong do hen, trung bình cứ 250 người tử vong thì có một trường hợp là do HPQ, đa số bệnh nhân HPQ có thể tránh được tử vong nếu được kiểm soát tốt. Mặc dù tỷ lệ tử vong do hen dao động đáng kể giữa các khu vực, nhưng tính chung trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong đang có xu hướng giảm dần từ những năm 1980 đến nay. Điều này có thể liên quan đến những tiến bộ to lớn trong chẩn đoán và điều trị hen, đặc biệt là việc áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HPQ của Hiệp hội Hen toàn cầu cũng như việc sử dụng rộng rãi corticosteroid dạng xịt. Ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tử vong do hen cũng có xu hướng giảm dần trong những thập kỷ gần đây ở nhiều quốc gia.
GS. TS Ngô Quý Châu đang thăm khám cho bệnh nhân COPD. |
GS.TS. Ngô Quý Châu: Trước thực trạng trên, Thủ Tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2331/QĐ-TTg, ngày 20/12/2010 ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2011, trong đó có nội dung phòng chống BPTNMT và HPQ. Sau đó ngày 2/3/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 595/QĐ-BYT về việc Phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2011 của Dự án phòng chống BPTNMT và HPQ. Hiện nay, chương trình mục tiêu này đã được Chính phủ phê duyệt cho tiếp tục thực hiện, là một chương trình trong dự án dân số y tế giai đoạn 2016-2020.
Tóm lại, gánh nặng bệnh tật do BPTNMT và HPQ gây ra cho xã hội là rất lớn, đặc biệt trong điều kiện của nước ta hiện nay do thiếu thiết bị, thiếu nguồn nhân lực, thiếu thuốc men cấp phát theo chương trình của Bảo hiểm y tế... Rất mong Chính phủ và Bộ Y tế cùng các ban ngành và toàn xã hội sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo sát sao, hỗ trợ nguồn lực giúp cho công cuộc phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh hô hấp mạn tính không lây nói riêng đạt được thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, tiến tới giảm tần suất mắc các bệnh nguy hiểm này cho nhân dân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét